Thế mạnh của mình (p2)



Mỗi người chúng ta đều có thế mạnh và nhược điểm. Nhiều người chú trọng vào nhược điểm và nghĩ rằng nhược điểm là nguyên nhân vì sao họ không thể thành đạt.

Một tin vui cho bạn: đối với những thắng lợi của chúng ta thì hầu hết những những nhược điểm là vô nghĩa. Bó hồng đẹp nhất không phải là bó hồng ít có gai nhất, mà là bó hồng có những bông hồng sặc sỡ nhất.

Không có ai giàu có lên chỉ vì họ đã xoá bỏ được những nhược điểm. Không phải chỉ những nhược điểm của bạn làm bạn trở nên giàu có, mà là những thế mạnh của bạn.

Nếu bạn xoá đi được một nhược điểm, bạn đã đạt được điều gì? Chẳng có gì cả, ngoài việc bạn không còn mắc nhược điểm nọ. Qua đấy bạn cũng chẳng có lắm tiền và nhiều thành công hơn. Bạn sẽ còn làng nhàng bậc trung cho đến khi bạn đã phát huy thế mạnh của mình. Chúng ta cần xây dựng thế mạnh của mình, nó giúp chúng ta trở nên giàu có.

Bạn đừng đổ lỗi cho những nhược điểm của mình. Có vô số người có nhược điểm như bạn, song họ đã sống hạnh phúc. Tất nhiên bạn cũng không thể coi thường nhược điểm của mình, nếu không nó sẽ phá hoại thành quả của mình. Nhưng bạn có thể tìm được một giải pháp. Tốt nhất bạn hãy nhìn nhận nhược điểm của mình như một vận hội mở ra con đường mới và hợp tác với những người có thế mạnh đúng vào những nhược điểm của mình




Bạn hãy tập trung vào những thế mạnh của mình. Hãy biết kiến tạo những thế mạnh ấy. Bạn hãy tìm đến với những người có thể giúp bạn rèn luyện trên lĩnh vực bạn có ưu thế. Hãy sát cánh với họ, hãy để họ tiếp sức và khích lệ mình.

Hành động theo dõi chúng ta

Tất nhiên bạn sẽ nhận định rằng hầu hết mọi hoàn cảnh, tình huống phải do ta tự chịu trách nhiệm. Điều đó đúng với cả những tình huống tốt, cả những tình huống không mấy như ý.

Trong đấy còn tuỳ thuộc vào mối quan hệ và triển vọng của những hoàn cảnh. Có khi khuyết điểm và thất bại lại có thể là bài học cho tương lai. Nó như trong ván bài. Một mình lá bài thì nó cũng chẳng tốt cũng chẳng xấu, chỉ khi lên bài mới có thể nói các quân bài có hợp nhau không. Bạn có thể biến đổi đôi điều trong cuộc sống của bạn. Hãy làm việc đó đi. Một vài việc không thể một sớm một chiều hoặc thậm chí không thể hoặc không muốn biến đổi. Bạn hãy chấp nhận điều đó. Bạn phải học cách nhận biết những ưu thế, nhiều khi nó tiềm ẩn đằng sau những “bất lợi”. Những gì lâu nay bị chê cười và nhạo báng, một ngày nào đấy có thể lại trở thành “nhãn hiệu” của bạn.

Sự so sánh bất lợi với người khác

Chúng ta so sánh chúng ta với những người khác với hy vọng sẽ thành công hơn. Thực tế trong khi so sánh chúng ta thường có nhận định chúng ta hơn hoặc thua người khác. Cả hai kết quả đều bất lợi.

Nếu chúng ta nhận định mình trội hơn người khác, như vậy chúng ta xem như đã thành công trong hoàn cảnh hiện tại. Ở đây, vấn đề thước đo hơn kém phải được đặt ra. Bởi vì rất có thể phía bên kia đã ngừng hoạt động để mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp này, hoá ra chúng ta chỉ ẩn nấp đằng sau sự thất bại của người khác.

Nhưng nếu chúng ta cảm thấy thua kém trong khi so sánh, điều đó cũng chẳng mấy lợi ích. Lúc nào chúng ta cũng có thể tìm ra những người hơn hẳn chúng ta ở một lĩnh vực nhất định nào đấy. Trong trường hợp này rất có thể chúng ta đánh mất lòng dũng cảm và sự tự tin. Ngược lại: ai biết tập trung tư duy về bản thân sẽ nhận thức được nét đặc trưng của mình. Vì thế sự so sánh là không thể và vô nghĩa . Chúng ta chỉ nên so sánh với những con người mà chúng ta có thể trở thành.

Tính độc đáo

Không có ai khác lại giống bạn. Không có ai lại có thể và sẽ thực hiện những nhiệm vụ giống hệt bạn đã thực hiện những công việc ấy bằng cách của bạn. Khả năng của bạn vì vậy được hình thành từ những kinh nghiệm bản thân và sự đúc kết của những người khác.

Có lẽ bạn sẽ phản đối rằng: “Nhưng mà những gì tôi đã làm đến nay thì người khác cũng có thể làm được”.Điều đó chưa hẳn đúng. Nhưng quan trọng hơn lại là chuyện khác: Bạn đã làm việc ấy! Ngoài bạn không thể có một ai khác. Và trong tương lai cũng vậy. Vị trí của bạn không người nào khác có thể đảm nhiệm. Bạn càng tập trung tư duy về mình và càng ít so sánh mình với những người khác bạn nhận thức được càng nhiều nét độc đáo và ưu thế của mình.

Bạn đừng bao giờ mong muốn thế mạnh của những người khác, mà hãy tự tạo dựng nên thế mạnh của riêng mình. Vấn đề còn lại phát sinh từ sự so sánh với người thường là thói suy bì và lòng ghen ghét.

Tính ghen tị

Tính ghen tị luôn bắt nguồn từ sự mặc cảm thua kém người khác. Tiền đề của nó là sự thiếu tự tin. Người được mệnh danh là hạng yếu kém liền tìm cách liên kết với những người họ cho rằng ở đẳng cấp cao hơn. Ai cảm thấy mình thua kém, người đó chỉ có hai khả năng hoà nhập với người ở đẳng cấp cao: anh ta trèo lên đẳng cấp trên hoặc anh ta kéo họ xuống cùng mình. Những người không tin rằng mình có thể đạt tới đẳng cấp cao hơn, thường cố gắng kéo những người khác xuống đẳng cấp mình. Lúc này họ bôi nhọ những người nọ bằng mọi điều xấu xa, vì không dễ hạ bệ một người tốt.

Điều xấu xa, tệ hại ở tính ghen tị không chỉ ở sự hạ bệ của những người thành đạt. Hơn nữa người ghen tị còn tự đánh mất khả năng tự cải thiện mình. Thay vì cố gắng rời bỏ đẳng cấp của mình, anh ta lại lợi dụng khả năng của mình để hạ bệ người khác.

Sự ghen tức

Sự ghen tức, nếu không quá lời, là một dạng của sự nghi ngờ và sợ hãi bản thân mình không đủ phẩm chất. Cảm giác này cũng xuất hiện khi người ta quá quan tâm so sánh mình với người khác. Trong nhiều hiệp hội, cộng đồng tồn tại những chuyện ghen ăn tức ở rất tồi tệ. Bi kịch là ở chỗ: thay vì cống hiến năng lực của mình quan tâm đến các chiến hữu, thì người ghen tức tìm cách sống ẩn dật. Những điều đó không sớm thì muộn cũng được các thành viên khác nhận ra: một kẻ yếu kém. Người ghen tức luôn xua đuổi hết bạn bè.

Chúng ta thường lầm tưởng sự ghen tuông là biểu hiện chân thành của một tình yêu đích thực. Điều đó sai: nơi nào sự sợ hãi còn ngự trị và con người bị gò bó thì nơi ấy tình yêu không thể đơm hoa kết trái. Tình yêu khích lệ và trao tặng tự do, còn ghen tuông trái lại trói buộc, làm tê liệt và thậm chí bóp chết tự do. Người ghen tuông muốn giữ chặt người thân yêu bên mình, thực chất đấy là sự sợ hãi, lo rằng mình không xứng đáng, mình không có đủ tư cách.

Những ai từ trong tâm khảm cảm thấy mình hèn mọn và tự coi thường mình, cũng sẽ coi thường người khác. Người ghen tức luôn tìm nguyên cớ để ghen tức. Như người ghen tị muốn huỷ diệt người giàu sang, thì người ghen tức phá huỷ hạnh phúc của chính mình và hạnh phúc của người tưởng là được yêu mến.

Còn có người lạm dụng lòng tin của người khác. Sự trói buộc không thể là một giải pháp. Nếu người ta không hoà hợp được với nhau hoặc không đáp ứng nhu cầu của người khác, thì tốt hơn là chia tay. Tại sao lại có những người không biết tự trọng mà chỉ tìm cách gắn bó với một con người mà người đó không thừa nhận giá trị của anh, không kính trọng phẩm chất của anh. Thật là vô nghĩa để bày tỏ sự cảm thông đối với người ghen tức hoặc thậm chí chấp thuận mọi yêu cầu của anh ta. Bởi vì sự điều trị căn bệnh “ghen tức” không do những người khác mà do chính bản thân con bệnh quyết định. Người ghen tuông phải biết cách tập trung sự quan tâm đến bản thân mình về những ưu thế của mình.

Nếu chúng ta nhận thức được bao nhiêu sự đẹp đẽ và tiềm năng có ở nơi chúng ta, chúng ta sẽ cảm nhận những ân huệ, hạnh phúc vì sự bình yên. Ở những người hay ghen tị thì không bao giờ có được cảm nhận đó.

Hình như bạn khó lòng mà thay đổi được hoàn cảnh. Nhưng bạn cũng đừng bỏ phí thời gian và công sức ước ao một hoàn cảnh khác, mà hãy bắt đầu đi. Cứ hành động đi! Sẽ còn có những điều bạn không thể biến đổi, vì nó không nằm trong quyền lực của bạn, thì cũng đừng phí sức. Hãy tập trung vào công việc bạn có thể làm được. Người thành đạt vẽ bức tranh cuộc sống của mình bằng những màu sắc anh ta có. Nó sẽ không tồi.

Thực hành

Hôm nay tôi tôi sẽ luyện tập khả năng tập trung vào thế mạnh của mình bằng cách quyết tâm thực hiện các bước sau:

1.Tôi tự hiểu những thành quả của tôi không mấy phụ thuộc vào tài năng mà vào những gì tôi làm được trong hoàn cảnh của mình. Tôi không đổ tại cho số phận.

2. Tôi lập ra một danh mục với tất cả mặt mạnh, mặt yếu của mình. Đối với những nhược điểm tôi tìm một giải pháp. Tôi quan tâm tới việc xây dựng các thế mạnh của mình, bằng cách tôi giao lưu với những người có thể động viên tôi.

3. Tôi khái quát lại toàn bộ hoàn cảnh cuộc sống của tôi và cân nhắc xem điều gì tôi có thể thay đổi. Rồi tôi đặt cho mình một kế hoạch hợp lý. Cái gì phải được hoàn thành không quan trọng mà cái quan trọng là bắt tay làm ngay việc gì.

4. Đối với những điều tôi không thể thay đổi, tôi sẽ từ bỏ. Tôi mỉm cười hôm nay, nếu trời mưa, bởi vì tôi biết rằng nếu tôi không mỉm cười thì trời vẫn cứ mưa.

5. Tôi kiểm tra lại mình liệu tôi có ghen tị hay ghen tức không? Những cảm giác này không dễ bị gạt bỏ, nhưng tôi có thể xua đuổi nó, bằng cách tập trung vào bản sắc riêng của mình vào năng lực của mình. Tôi tự trả lời câu hỏi bằng giấy mực: “Tại sao tôi không biết sự độc đáo, sự cá biệt của bản thân mình”?

Trích trong Bí quyết để thành đạt

Post a Comment